Tìm Hiểu Hệ Thống Thông Tin

 


HỌC HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ RA LÀM GÌ?

Hệ thống thông tin quản lý đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Tầm quan trọng của thông tin trở nên rõ ràng hơn cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ và các thiết bị di động. Ngày nay, để duy trì sự cạnh tranh, mọi doanh nghiệp cần phải tận dụng tối đa nguồn dữ liệu của họ, đó là lúc các chuyên gia xuất hiện

Chuyên ngành dành cho các bạn yêu thích công nghệ và kinh doanh

1. Hệ thống thông tin quản lý là gì?

Hệ thống thông tin quản lý (Management Information Systems) là hệ thống cung cấp thông tin cho công tác quản lý của tổ chức. Hệ thống bao gồm con người, thiết bị và quy trình thu thập, phân tích, đánh giá và phân phối những thông tin cần thiết, kịp thời, chính xác cho những người soạn thảo các quyết định trong tổ chức. Theo Wikipedia.

Nói một cách đơn giản, ngành Hệ thống thông tin quản lý sẽ là sự kết hợp giữa kinh tế và công nghệ thông tin. Trong đó, các chuyên gia sẽ tập trung vào việc thu thập và phân tích dữ liệu, làm cầu nối giữa các bên liên quan trong kinh doanh và hệ thống thông tin.

Hiện nay, đây là một trong nhóm 4 chuyên ngành học phổ biến thuộc ngành Công nghệ thông tin ở các trường Đại học trong nước. Sinh viên sau khi hoàn tất các môn học đại cương sẽ được chọn chuyên ngành, thông thường là năm thứ tư. Tùy theo trường sẽ có một số bộ môn được thêm vào hoặc lọc bớt.

Tham khảo: Nên học chuyên ngành Công nghệ thông tin nào?

2. Hệ thống thông tin quản lý học gì?

Sinh viên theo học sẽ được trang bị các kiến thức ở cả hai lĩnh vực

Vì là chuyên ngành có sự kết hợp giữa hai lĩnh vực nên các bạn sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết ở cả hai nhánh. Ví dụ:

  • Những môn học về Kinh tế và Quản lý như: Toán cao cấp, Xác suất thống kê, Tin học ứng dụng, Marketing, kinh tế vi mô và vĩ mô, kinh doanh - luật quốc tế,... Qua đó, sinh viên sẽ nắm bắt được cơ bản về cách mà nền kinh tế vận hành, các chỉ số kinh tế quan trọng, các xu hướng trong nền kinh tế hiện đại,...
  • Nhóm môn học Công nghệ thông tin như: Kỹ thuật lập trình, Tin học cơ sở, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu,... Đây là nền tảng giúp các bạn tiếp cận với công nghệ, hiểu và biết cách sử dụng ngôn ngữ lập trình, cách làm việc với dữ liệu như xử lý, làm sạch, khai thác, phân tích,...
  • Những môn chuyên ngành để định hướng nghề nghiệp như: Cách tích hợp quy trình kinh doanh với ERP (Enterprise Resources Planning) sẽ giúp bạn biết cách mà các doanh nghiệp áp dụng những hệ thống và phần mềm vào quản lý, hoạch định các quy trình. Môn học Phân tích và thiết kế hệ thống giúp sinh viên trang bị kỹ năng phân tích và thiết kế một hệ thống, phần mềm. Bên cạnh đó, các môn như Phân tích dữ liệu trong kinh doanh, Hệ thống thông tin kế toán, Thương mại điện tử,... cũng rất quan trọng.
  • Ngoài ra, một số môn học về kỹ năng mềm như thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản trị thời gian,... sẽ được thêm vào để sinh viên chuẩn bị cho giai đoạn thực tập và tìm việc làm.

Với việc hoàn thành bậc Đại học, các bạn cử nhân sẽ có nhiều lựa chọn cho tương lai phía trước. Đặc biệt, trong thời đại mà thông tin đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

3. Học ngành Hệ thống thông tin quản lý ra trường làm gì?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý có thể đảm nhận các chức vụ chuyên viên trong lĩnh vực quản lý hệ thống thông tin kinh tế, quản trị về kinh doanh và thông tin của công ty, doanh nghiệp, tổ chức. Cụ thể:

  • Chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst): Đây là vai trò mà các chuyên gia sẽ đi sâu vào từng vấn đề chuyên môn nghiệp vụ và phân tích chính xác điểm, mạnh yếu trong nghiệp vụ, cuối cùng đưa ra giải pháp hiệu quả.

Tham khảo: Business Analyst là gì?

  • Nhà phân tích dữ liệu (Data Analyst), nhà khoa học dữ liệu (Data scientist) hay kỹ sư dữ liệu (Data Engineer): Người làm việc với dữ liệu kinh doanh và dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho nhu cầu của công ty, doanh nghiệp.
  • Chuyên viên phân tích và tích hợp hệ thống thông tin: Bạn sẽ là người chịu trách nhiệm tổng hợp và nghiên cứu các thông tin liên quan đến hệ thống trong doanh nghiệp, tổ chức.
  • Digital Marketing: Với sự am hiểu cùng lúc hai lĩnh vực là công nghệ và kinh tế, hệ thống thông tin marketing là một thuận lợi lớn cho những bạn xuất thân từ ngành này. Bạn có có thể bắt đầu từ vai trò Chuyên viên và thăng tiến lên các cấp như Trưởng nhóm, Trưởng phòng hay Giám đốc.
  • Nhà quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator): Bạn sẽ là người triển khai các phương án quản lý, bảo vệ nguồn thông tin cơ sở dữ liệu nội bộ của công ty. Ví dụ: Quản lý cơ sở dữ liệu nội bộ về kiểm tra, đánh giá, tiền lương, bảo hiểm, hợp đồng,..theo yêu cầu của các cấp lãnh đạo.

Ngoài ra, đối với Cử nhân ngành Hệ thống thông tin quản lý và các bạn được trang bị những kỹ năng làm việc với dữ liệu có thể đáp ứng hầu hết công việc liên quan ở nhiều lĩnh vực. Một lựa chọn khác là làm việc ở các viện nghiên cứu hoặc giảng viên ở các trường Đại học. Tuy nhiên, thu nhập ở những vị trí này thường không cao và môi trường không thật sự hấp dẫn với các bạn trẻ.

4. Ngành Hệ thống thông tin quản lý học trường nào?

Hiện nay, ngành Hệ thống thông tin quản lý là một trong 4 chuyên ngành phổ biến của Công nghệ thông tin tại các trường Đại học. Vì vậy, có rất nhiều trường công lập và dân lập để giúp các bạn được tiếp cận và phát triển. Những trường đại học phổ biến bao gồm: Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học Ngân hàng TP HCM, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH),....

Mong rằng với những thông tin được tổng hợp trong bài viết này có thể giúp các bạn giải đáp những thắc mắc liên quan đến ngành Hệ thống thông tin quản lý. Đừng quên đón xem các bài viết mới nhất sẽ được cập nhật thường xuyên tại BAC's Blog.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn